Nấm linh chi là vị thuốc quý đã được loài người nghiên cứu sử dụng từ lâu đời. Trong sách “Thần nông bản thảo” – một dược thư cổ của Trung Quốc cách đây hơn 2.000 năm cũng ghi lại khá nhiều tác dụng chữa bệnh của linh chi. Xưa kia linh chi chỉ được khai thác hoàn toàn trong tự nhiên vì vậy nó là loại thuốc quý, hiếm và rất đắt đỏ. Giá một lạng linh chi còn đắt hơn một lạng vàng ròng nên chỉ dành để tiến vua, chúa hoặc bán cho những người giàu có thời bấy giờ.
Thị trường nấm Linh Chi ở Việt Nam – Trận đồ bát quái
Nấm Linh Chi trong các cửa hàng Ðông dược
Vào bất kỳ một cửa hàng Ðông dược nào ở Hà Nội, Sài Gòn bạn cũng sẽ được chào mua nấm linh chi, tập trung nhiều nhất là ở phố Lãn Ông. Mới thoạt nhìn, bạn sẽ lóa mắt vì có đủ loại linh chi to, nhỏ. Cái to nhất bằng cái nón nhỏ, mỗi túi 1kg có 2 hoặc 3 nấm. Cái nhỏ thì 15-20 cái/kg. Rồi linh chi thái lát, linh chi tán bột. Cũng cùng một thứ nấm linh chi có màu sắc, độ lớn, cân nặng như nhau, nhưng có cửa hàng giới thiệu là linh chi Hàn Quốc vì có chữ KOREA đóng dấu chìm ở mặt dưới nấm, được chào với giá 1.500.000đ/kg. Sang cửa hàng khác, cũng cái nấm linh chi như thế (nhưng không có chữ KOREA đóng dấu chìm) lại được chào bán với giá 400.000đ/kg. Còn nấm linh chi thái lát thì cửa hàng nào cũng nói là linh chi Trung Quốc, giá rất mềm, chỉ có 200.000đ/kg.
Tôi được một người mặc áo Blouse trắng, ở ngực áo có đeo biển “Bác sĩ chuyên khoa Ðông y V.V.C.” giới thiệu: “Bác cứ mua đi, ở đây chúng tôi chỉ bán linh chi của Hàn Quốc, chúng tôi sẽ xay thành bột cho bác, khi dùng chỉ việc sắc nước, sôi 15 phút là được”. Tôi hỏi: “Thế bã linh chi có dùng được không?”. Vị bác sĩ nọ trả lời “Ai dùng bã làm gì, tất cả nó đã tan ra nước rồi!”.
Vào cửa hàng bán lẻ thuốc Nam – Bắc của Công ty Dược liệu TW I hỏi mua linh chi, cô bán hàng cho tôi xem cả 2 loại linh chi Hàn Quốc và Trung Quốc. Loại của Hàn Quốc mặt dưới (thụ tầng) nấm có màu trắng, đóng dấu chìm chữ KOREA. Giá bán 1kg loại 6 cái là 660.000đ. Linh chi Trung Quốc mặt dưới nấm có màu vàng, giá 250.000đ/kg (loại 6 cái 1kg).
Nấm cổ Linh Chi bán rong
Từ cuối năm 2002 đến nay, có một số người mang những mảnh nấm linh chi rất lớn, để trong túi du lịch len lỏi đến những nhà có người bệnh ung thư, tiểu đường, thoái hóa cột sống v.v…, nói là thuốc quý mới phát hiện trong rừng sâu Tây Nguyên đã được các nhà khoa học xác định là cổ linh chi có hàng trăm năm tuổi, chữa khỏi nhiều bệnh nan y ở thời kỳ cuối. Giá mỗi lạng (100g) từ 120-150.000đ tùy loại nhỏ hoặc to. Ðể minh chứng cho lời giới thiệu của mình họ còn mang theo cả bản photocopy các bài viết nói về nấm cổ linh chi đăng trên báo Lao Ðộng và báo Sức Khỏe & Ðời Sống.
Xác định xuất xứ của nấm linh chi
Có người mang nấm linh chi đến nhờ tôi phân biệt hộ: Thứ nào của Trung Quốc, thứ nào của Hàn Quốc? Tôi trả lời: Chúng tôi chỉ có thể phân biệt được cổ linh chi và linh chi trồng. Còn thứ nào trồng ở Trung Quốc, thứ nào trồng ở Hàn Quốc thì kể cả người chuyên nghiên cứu, phân loại thực vật hoặc chuyên kiểm nghiệm dược liệu cũng chịu, vì linh chi được trồng ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc v.v… không phải chỉ có một loài. Trong khi chỉ riêng một loài Ganoderma lucidum thôi cũng đã có hơn 45 thứ khác nhau. Còn việc đóng dấu chìm chữ KOREA trên nấm để nói đó là của Hàn Quốc thì có gì khó.
Nấm Linh Chi trong tự nhiên
Linh chi (Ganoderma) là các loài nấm gỗ mọc hoang trong thiên nhiên, có hàng trăm loài khác nhau cùng họ nấm gỗ (ganodermataceae). Có 2 nhóm lớn là: Cổ linh chi và linh chi. Cổ linh chi: Là các loài nấm gỗ không cuống (hoặc cuống rất ngắn) có nhiều tầng (mỗi năm thụ tầng lại phát triển thêm một lớp mới chồng lên). Mũ nấm hình quạt, màu từ nâu xám đến đen sẫm, mặt trên sù sì thô ráp. Nấm rất cứng (cứng như gỗ lim nên còn gọi là nấm lim).
Chúng sống ký sinh và hoại sinh trên cây gỗ trong nhiều năm (đến khi cây chết thì nấm cũng chết). Vì vậy các nhà bảo vệ thực vật xếp cổ linh chi vào nhóm các tác nhân gây hại cây rừng, cần khống chế. Cổ linh chi mọc hoang từ đồng bằng đến miền núi ở khắp nơi trên thế giới. Trong rừng rậm, độ ẩm cao, cây to thì nấm phát triển mạnh, tán lớn. Ở Việt Nam đã phát hiện trong rừng sâu Tây Nguyên có những cây nấm cổ linh chi lớn, có cây tán rộng tới hơn 1 mét, nặng hơn 40kg.
Tên khoa học: Ganoderma applanatum (Pers) Past. Cổ linh chi có hàng chục loài khác nhau.
Linh chi: Là các loài nấm gỗ mọc hoang ở những vùng núi cao và lạnh ở các tỉnh Tứ Xuyên, Quảng Tây, Quảng Ðông (Trung Quốc). Nấm có cuống, cuống nấm có màu (mỗi loài có một màu riêng như nâu, đỏ vàng, đỏ cam). Thụ tầng màu trắng ngà hoặc màu vàng. Mũ nấm có nhiều hình dạng, phổ biến là hình thận, hình tròn. Mặt trên bóng. Nấm hơi cứng và dai.
Tên khoa học: Ganoderma lucidum (Leyss ex Fr) Kart (Linh chi có rất nhiều loài khác nhau). Sách Bản thảo cương mục (in năm 1595) của Lý Thời Trân, đại danh y Trung Quốc đã phân loại linh chi theo màu sắc thành 6 loại, mỗi loại có công dụng chữa bệnh khác nhau:
- Loại có màu vàng gọi là Hoàng chi hoặc Kim chi. – Loại có màu xanh gọi là Thanh chi. – Loại có màu hồng, màu đỏ gọi là Hồng chi hay Ðơn chi hoặc Xích chi. – Loại có màu trắng gọi là Bạch chi hay Ngọc chi. – Loại có màu đen gọi là Huyền chi hay Hắc chi. – Loại có màu tím gọi là Tử chi.
Khoa học hiện đại với nghiên cứu về nấm Linh Chi
Cổ linh chi: Ngoài loài Ganoderma applanatum, các nhà phân loại thực vật đã phát hiện nhiều loài cổ linh chi khác như Ganoderma fulvellum, Gano-derma oregonense, Ganoderma tornatum, Ganoderma subtorna-tum v.v…
Thành phần hóa học: Cổ linh chi có acid Ganoderic. Các steroid Polysaccharid (GZ). Tác dụng dược lý: Thí nghiệm trên chuột, Polysaccharid có tác dụng tăng sinh sản tế bào lách, kích thích hoạt động chống khối u sarcoma 180, liều cao 50mg/kg tăng tỷ lệ cản khối u tới 100%.
Thí nghiệm trên cừu: Polysaccharid có tác dụng tăng kháng thể nguyên thủy của tế bào lách và phản ứng lại tế bào máu.
Tác dụng lâm sàng: Tuy kết quả nghiên cứu về thành phần hóa học, tác dụng dược lý khả quan như vậy, song nhiều người còn nghi ngờ về độc chất của các loài nấm lạ phát triển trên nấm cổ linh chi không kiểm soát được. Vì vậy chưa ai dám sử dụng cổ linh chi nghiên cứu chữa bệnh cho người.
Linh chi: Nghiên cứu các loài linh chi làm thuốc từ xưa đến nay người ta thấy có hàng trăm loài. Riêng loài linh chi Ganoderma lucidum (được gọi là linh chi chuẩn để làm giống phát triển sản xuất) cũng có hơn 45 thứ khác nhau. Các loài khác như Ganoderma japonicum; Ganoderma sinense v.v…
Trồng nấm linh chi: Nhờ công nghệ sinh học phát triển nên 30 năm gần đây con người đã trồng được nấm linh chi để đáp ứng nhu cầu dùng làm thuốc chữa bệnh và thực phẩm dưỡng sinh.
Ði đầu là các nhà khoa học Nhật Bản: Năm 1972 đã trồng thí nghiệm nấm linh chi đạt kết quả tốt. Sau đó là Hàn Quốc, Trung Quốc. Ở Việt Nam, Viện Dược liệu – Hà Nội đã trồng nấm linh chi (giống Trung Quốc) thành công vào năm 1978. Chín năm sau, năm 1987, các nhà khoa học thuộc Ðại học khoa học tự nhiên đã chọn được giống linh chi mọc hoang ở rừng núi Lâm Ðồng để nhân giống và đưa vào sản xuất tại trại trồng nấm linh chi của Xí nghiệp Dược phẩm TW 24, đạt kết quả tốt vào năm 1988.
Ngày nay nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Malaysia, Mỹ… đã nuôi trồng và sản xuất nấm linh chi làm thuốc và thực phẩm dưỡng sinh.
Chất lượng của nấm linh chi trồng phụ thuộc vào 2 điều kiện chính là:
Giống thuần chủng, không bị lai tạp. - Thành phần dinh dưỡng và điều kiện môi trường cho nấm sinh sản phát triển (đây là bí mật công nghệ của từng nhà sản xuất). Có 2 loại giá thể chính để trồng nấm linh chi là mạt cưa và khúc gỗ chôn xuống đất. Ở Việt Nam người dân thường trồng nấm linh chi bằng mùn cưa cao su đựng trong túi.
Ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản người ta trồng linh chi bằng khúc gỗ chôn dưới đất, sau 6-7 tháng sẽ thu hoạch, nấm có đường kính lớn, mỗi cây nấm sau khi sấy khô đạt 200-400g (loại to).
Thành phần hóa học, tác dụng dược lý
Chất có tác dụng chống ung thư là: Polysaccharid GL-1 tan trong nước và Polysaccharid beta (1-3 D glucan) không tan trong nước. – Chất có tác dụng xúc tiến tổng hợp và phân hủy protein, cải thiện chức năng tạo máu là Polysaccharid BN 3C. – Chất có tác dụng chống dị ứng là acid ganoderic. – Chất có tác dụng bồi bổ cơ thể là 13 loại acid amin. – Chất có tác dụng tổng hợp đường và acid amin tương ứng, làm giảm đường huyết.
Ðộc tính, tác dụng phụ, tương kỵ: Linh chi không độc, không có tác dụng phụ gây hại cho người dùng, không tương kỵ với các dược liệu khác.
Công dụng: Linh chi có tác dụng chống oxy hóa, khử gốc tự do giúp cơ thể chống lão hóa và các bệnh tật do cơ thể lão hóa, kéo dài tuổi thọ.
Nâng cao khả năng sản xuất các kháng thể nội sinh (interferon) chống ung thư, chống các virus gây bệnh như viêm gan siêu vi B, cúm, cảm lạnh và cả HIV.
Chống các stress gây hại như lo âu, buồn chán, thời tiết nóng lạnh thất thường, chuyển múi giờ, phụ nữ thời kỳ mãn kinh, người suy nhược thần kinh.
Bảo vệ cơ thể chống ảnh hưởng của các tia xạ: Khi chiếu xạ chữa ung thư, chiếu chụp điện quang, làm việc thường xuyên với máy tính, lò vi sóng v.v…
Chống độc: Giúp cơ thể thải loại nhanh các chất độc vô cơ và hữu cơ do ăn uống, tiếp xúc, hít thở; Các độc tố do ký sinh trùng, vi trùng gây bệnh trong cơ thể, các bệnh suy gan, suy thận v.v…
Giảm cholesterol, chống xơ mỡ mạch máu và các biến chứng như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, nhũn não v.v…
Ðiều hòa và ổn định huyết áp: Chữa các trường hợp cao huyết áp, huyết áp thấp, huyết áp dao động lúc cao lúc thấp không ổn định.
Chữa chứng nhược cơ, chống dị ứng, phối hợp với thuốc chữa tiểu đường (làm tăng tác dụng), bồi bổ cơ thể cho người suy nhược, tăng trí nhớ.
Cách dùng: Trên thị trường hiện có bán nhiều dạng thuốc như viên nang, trà túi lọc, dung dịch uống chứa linh chi được phối hợp với vị thuốc khác như nhân sâm, nhung hươu, vitamin v.v… Những loại thuốc này có tác dụng chính là bồi bổ cơ thể, chống lão hóa, chống suy nhược. Cách dùng theo chỉ dẫn cụ thể của các dược phẩm (Ghi trên bao bì và đơn hướng dẫn sử dụng).
Linh chi nguyên chiếc, linh chi thái lát, linh chi tán bột: Thường dùng độc vị hoặc phối hợp với các vị thuốc khác để chữa bệnh cho từng người theo ý định của thầy thuốc (quân, thần, tá, sứ) dưới dạng thuốc sắc hoặc hầm với gà, vịt, xương động vật tạo thành món canh thuốc.
Các dạng thuốc trích ly, thuốc sắc, canh thuốc thường bỏ bã, do đó không tận dụng được các hoạt chất của linh chi không tan trong nước.
Do đó cách sử dụng tốt nhất là: Nghiền toàn bộ nấm linh chi (cả mũ nấm và cuống nấm) thành bột mịn. Khi dùng ăn cả bã và nước (Kể cả món canh thuốc). Khi sắc thuốc có linh chi với nhiều vị khác, cho bột linh chi vào túi riêng, lúc bỏ bã thuốc thì lấy bã linh chi trong túi để ăn rồi uống nước sắc.
Liều dùng: Liều cao dùng trong thời gian ngắn chữa bệnh cấp tính. Ví dụ: Chữa ngộ độc (thức ăn, thuốc, kim loại nặng), dùng liều 120g linh chi chia 3 lần trong ngày.
Chữa viêm tuyến vú: Linh chi 30-50g chia 2 lần trong ngày.
Liều thấp 6g/ngày. Hỗ trợ tăng tác dụng của các loại thuốc như thuốc chữa tiểu đường, chống viêm loét dạ dày. Dùng trong nhiều ngày để nâng cao tuổi thọ, hết liệu trình của thuốc chính hoặc dùng thường xuyên hàng ngày.
Liều trung bình: 6-10g/ngày chia 2 hoặc 3 lần. Với các loại bệnh kể trên, liệu trình trung bình là 2-3 tháng, riêng với ung thư thì dùng thường xuyên hàng ngày cho đến khi khỏi bệnh.
Tác giả : DS. TRẦN XUÂN THUYẾT, Tạp chí Sức khoẻ và đời sống (số 224, 225)
- Tổng Hợp các công trình nghiên cứu khoa học về Nấm Linh Chi trên thế giới. (05.07.2019)
- Cách phân biệt nấm linh chi Trung quốc và Hàn quốc (22.01.2019)
- Những ai nên sử dụng Nấm Linh Chi? (19.11.2018)
- 3 yếu tố then chốt trong điều trị bệnh tăng huyết áp (19.11.2018)
- Nguồn gốc và tác dụng của Nấm linh chi đỏ (19.11.2018)
- Các bài thuốc hay từ Nấm linh chi (19.11.2018)
- Làm sao để phân biệt và chọn nấm linh chi tốt ? (19.11.2018)
- Các giai đoạn cơ thể hấp thụ các tinh chất của nấm Linh Chi (19.11.2018)
- Tăng huyết áp ở người cao tuổi (19.11.2018)
- Cách xử trí cao huyết áp tại nhà (19.11.2018)
- Mối liên quan giữa rối loạn mỡ máu và cao huyết áp (19.11.2018)
- Kiểm soát tăng huyết áp ở người bệnh đái tháo đường (19.11.2018)
- Mỡ máu cao nguyên nhân và cách điều trị (19.11.2018)
- Viên gan B, những điều cần quan tâm (19.11.2018)
- 3 dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt không được bỏ qua (19.11.2018)
- Nhận biết sức khỏe qua màu sắc nước tiểu (19.11.2018)
- Giảm cân, bụng ngấn mỡ với thảo dược thiên nhiên (19.11.2018)
- Những điều cần biết về ung thư máu (19.11.2018)
- 1. Tổng Hợp các công trình nghiên cứu khoa học về Nấm Linh Chi trên thế giới.
- 2. Tác dụng của Nấm Linh chi với hệ tim mạch.
- 3. Những ai nên sử dụng Nấm Linh Chi?
- 4. Nguồn gốc và tác dụng của Nấm linh chi đỏ
- 5. Cái nhìn tổng thể nấm linh chi tại thị trường tại Việt Nam
- 6. 5 thành phần tạo nên tác dụng đáng kinh ngạc của nấm Linh Chi
- 7. Cái nhìn tổng quan về các loại nấm Linh Chi